TIN TỨC & KHUYẾN MÃI

2021.08.30

Các Loại Sushi Phổ Biến Trong Văn Hóa Ẩm Thực Nhật Bản

Sushi là món ăn quốc hồn quốc túy trong văn hóa Nhật Bản. Nguyên liệu để tạo nên món Sushi rất đa dạng, từ sống – chín đến các nguyên liệu đặc hữu của từng vùng miền. Tùy theo sở thích, lịch sử và văn hóa ẩm thực khác nhau giữa các vùng và giai cấp ở Nhật Bản, mà Sushi cũng có nhiều loại và hình thức khác nhau. Cùng điểm qua các loại Sushi phổ biến trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản cùng Chiyoda Sushi nhé.

Sushi là gì?

Dù có nhiều loại Sushi, nhưng về cơ bản, đây là món ăn truyền thông của Nhật Bản gồm phần cơm trộn dấm, được nêm thêm gia vị vừa ăn gọi là Shari, kết hợp cùng phần nhân Neta, là các loại nguyên liệu tươi sống hoặc chín như hải sản, cá, thịt, rau củ quả. Món ăn thường được phục vụ với gừng ngâm (Gari), Wasabi và nước tương.

Nigiri Sushi

Chef Moriya Making Nigiri Sushi (Photo: Chiyoda Sushi)

Nigiri là hình thức đầu tiên, cơ bản nhất của Sushi mà chúng ta biết ngày nay. Nigiri Sushi còn được gọi là Edo-mae Sushi (có nghĩa là “ở phía trước của Edo”), cái tên này đã đề cập đến nơi phát xuất của món ăn –  Tokyo (trước đây là Edo). (Xem thêm: Edomae Sushi – điểm nhấn đặc sắc khi nhắc đến văn hóa ẩm thực Nhật Bản)

Nigiri Sushi được tạo thành bằng cách nắm cơm đã trộn với dấm trong lòng bàn tay rồi phủ lên trên là các nguyên liệu khác nhau để tạo thành Neta. Đây được xem là “thức ăn nhanh” được chế biến bởi các Nghệ nhân Sushi đầy kinh nghiệm làm việc ở khu vực Edo trong những năm 1800 nhằm phục vụ người lao động có một bữa ăn nhanh trong lúc họ làm việc.

Lớp Neta có thể là hải sản, rau, thịt, trứng tráng hoặc đậu phụ; ngoài hải sản tươi sống, cá và hải sản có thể được chế biến như được ngâm trong nước tương, giấm hoặc nướng sơ trên lửa. Trên cùng sẽ có thể được quét một lớp mỏng nước sốt đặc biệt để làm dậy mùi món ăn.

Nigiri Sushi – Edomae Sushi (Photo: Chiyoda Sushi)

Oshizushi

Oshizushi (Sushi nén), còn được gọi là Bozushi (Sushi nén khuôn) là kiểu Sushi với hình dạng ấn tượng có nguồn gốc từ Osaka. Loại này được làm bằng cách cho các lớp Neta và Shari vào một khuôn hình chữ nhật gọi là Oshiwaku, nén chặt lại và cắt Sushi ra thành từng phần nhỏ với hình dạng bắt mắt như vuông, chữ nhật, tam giác… Phần Neta bao gồm các loại cá và hải sản như cá thu hoặc cá hồi; với hình dạng đáo này mà Oshizushi thường được lựa chọn thưởng thức như cơm hộp Bento hoặc quà tặng.

Unagi Bou Sushi (Photo: Chiyoda Sushi)

Chirashizushi

Chirashizushi là một bát cơm với nhiều loại nguyên liệu khác nhau, với phần Neta là các hải sản phổ biến như cá hồi, mực, tôm luộc cùng cùng trứng chiên cắt nhỏ và dưa chuột. Món ăn tương tự như Kaisendon (Cơm hải sản); sự khiến biệt giữa hai món ăn là Chirashizushi sử dụng Shari – cơm Sushi trộn giấm, còn Kaisendon sử dụng cơm trắng hấp chín.

Salmon Avocado Chirashi (Photo: Chiyoda Sushi)

Makizushi

Hoso Maki (Photo: Chiyoda Sushi)

Makizushi, còn được gọi là “Norimaki”, dùng để chỉ một loại Sushi trong đó cơm và các nguyên liệu được cuộn cẩn thận trong một tấm rong biển Nori, sau đó được cắt thành nhiều miếng nhỏ hơn. Với việc cuộn các nguyên liệu lại thành cuốn, người Nhật đã gọi món ăn là Makizushi, với Maki có nghĩa là “cuộn” và “Zushi” là biến âm của “Sushi” – Sushi cuộn.

Futo Maki (Photo: Chiyoda Sushi)

Các cuộn Sushi mỏng, dài nếu chỉ có một thành phần như một lớp cá tươi, dưa chuột hoặc Daikon ngâm chua sẽ được gọi là Hosomaki. Bên cạnh đó, Futomaki (futo có nghĩa là to, béo) là một loại Makizushi dày hơn với phần nhân bao gồm sự kết hợp của nhiều thành phần khác nhau.

Uramaki, thường được hiểu là “Sushi lộn ngược”, là một phiên bản hiện đại của Makizushi, nó được làm bằng cách cuộn cơm Shari ngược bên ngoài lớp rong biển, bao phủ phần nhân Neta bên trong. Món ăn còn thường được cuộn trong hạt mè dính vào cơm bên ngoài hoặc được phủ thêm trứng cá Tobiko để có thêm độ giòn.

Uramaki (Photo: Chiyoda Sushi)

Gukan Maki

Gunkan Maki cũng là một loại Makizushi khác được giới thiệu lần đầu tại một nhà hàng Sushi ở Ginza vào những năm 1940.

Món ăn được làm bằng cách quấn một dải Nori rộng xung quanh một nắm cơm trong khi để lại đủ không gian ở trên cùng để lắp đầu bằng phần nhân Neta khác nhau. Gukan được hiểu là “chiến hạm” hoặc “tàu chiến”, bắt nguồn từ hình dạng giống như một con tàu nhỏ của nó.

Neta phổ biến cho món Gunkan Maki thường là nhím biển, mực, trứng cá hồi, Negitoro (hỗn hợp của cá ngừ băm và hành lá), salad khoai tây và Kanimiso (gạch cua trộn Miso).

Gundan Maki (Photo: Chiyoda Sushi)

Temaki

Temaki là một loại sushi mới lạ với hình dạng giống như que kem. Để làm món Sushi này, Shari được trải lên tấm rong biển và cuộn Neta vào giữa theo hình chiếc nón. Temaki có thể được thưởng thức tại các nhà hàng cũng như có tự làm tại nhà vì sự đơn giản, dễ làm của nó; món ăn có nhiều loại Neta khác nhau, phổ biến bao gồm Umeshiso – một loại sốt làm từ lá Shiso tươi và umeboshi (mận ngâm chua), Negitoro (cá ngừ băm hành lá), mực và trứng chiên ngọt.

Temaki (Photo: Freepik.com)

Sasazushi

Trong tiếng Nhật, “Sasa” là lá tre, và Sasazushi là món Sushi gồm cơm và các lớp Neta được gói trong một chiếc lá tre.

Sasazushi được cho là đến từ tỉnh Nagano trong thời Chiến quốc (1467–1573); nhiều tài liệu chỉ ra rằng, để gây ấn tượng với Samurai Uesugi Kenshin đến thăm, người dân địa phương đã tạo ra món Sasazushi này. Neta dùng trong món ăn đa dạng, bao gồm nhiều loại rau dại như ngải cứu và măng, quả óc chó, nấm, miso, trứng tráng cắt nhỏ và cá hồi. Nhìn sơ qua, có phải Sasazushi khá giống với các loại xôi được gói trong lá ở Việt Nam không?

Sasazushi (Photo: CC from Wikipedia)

Kakinoha-zushi

Một loại Sushi cuốn lá ép khác là Kakinoha-zushi, xuất xứ từ vùng Nara, miền tây Nhật Bản và có từ thời Edo. Phiên bản Sushi này được gói trong lá hồng (Kaki) thay vì lá Tre (Sasa); ngày trước, lá hồng thường được dùng để gói thực phẩm nhằm bảo đảm độ tươi trong quá trình vận chuyển; lá không chỉ bảo quản cá với đặc tính kháng khuẩn mà còn mang lại hương thơm tinh tế, từ đó món Kakinoha Zushi ra đời.

Kakinoha-zushi thường được làm bằng cách đặt cá hồi hoặc cá thu lên trên Shari, ngoài ra tôm và lươn cũng thường được dùng làm Neta cho món ăn. Đây là một món ăn phổ biến cho du khách khi ghé thăm vùng Nara.

Kakinoha-zushi (Photo: CC from Wikipedia)

Narezushi

Lên men là một kỹ thuật truyền thống được sử dụng trên toàn thế giới để bảo quản cá và các sản phẩm khác trước trong thời gian dài. Narezushi có từ thời Nara (710 – 794) là món Sushi đặc biệt khi Neta được làm từ cá được bảo quản bằng cách lên men trong muối và gạo từ vài tháng đến nhiều năm trước khi sử dụng.

Ngày nay, Narezushi thường ít được ưa chuộng vì hương vị cực kỳ đặc biệt của nó. Tuy nhiên, Funazushi của tỉnh Shiga vẫn được xem là đặc sản của vùng, đây là món Sushi được làm bằng cá Nigorobuna từ Hồ Biwa gần đó; cá được ủ và lên men với kỹ thuật chế biến cầu kỳ trong một thời gian dài, thường là tới 5 năm, nên giá thành của món ăn cũng khá cao.

Narezushi (Photo: CC from Wikipedia)

Inari-zushi

Khác với các loại Sushi được đề cập ở trên, Inari-zushi thông thường không chứa bất kỳ loại cá hay hải sản nào và có hương vị khá ngọt.

Inari là một miếng Aburaage (đậu phụ chiên giòn) có hình dạng giống như một chiếc túi, được rim trong Mirin, nước tương, Dashi, đường và được đặt theo tên của vị thần Shinto – Inari – người được cho là có niềm yêu thích rất lớn với đậu phụ.

Khi Shari được dồn vào túi Inari, thì món ăn trở thành Inari-zushi. Ngoài phần Shari là cơm trắng trộn với dấm ra, thì Inari Zushi cũng có thể chứa các loại cơm trộn với thành phần khác, như cơm nấm, mực, tôm, hẹ hoặc trứng tráng thái nhỏ.

Cách làm dễ dàng và tính di động của Inari-zushi khiến nó trở thành một món Bento phổ biến hoặc là món ăn nhẹ cho các buổi dã ngoại và tiệc tùng.

Inari Sushi (Photo: CC from Wikipedia)

Dễ dàng thưởng thức đa dạng Sushi tại Chiyoda Sushi

Ngoại trừ các món Sushi đặc biệt mang yếu tố địa lý của từng vùng như Narezushi của tỉnh Shiga hoặc Sasazushi của vùng Nagano, thì thực khách có thể dễ dàng thường thức hầu hếtcác loại Sushi đa dạng và tươi ngon ngay tại Sài Gòn với Chiyoda Sushi.

Tại Chiyoda, thực khách hoàn toàn có thể thoải mái thưởng thức Nigiri Sushi đúng kiểu Edomae truyền thống mà Chiyoda Sushi gìn giữ suốt 60 năm hình thành và phát triển. Bên cạnh đó, nhờ vào nguyên liệu an toàn, tươi ngon, và kỹ thuật chế biến tài tình của đầu bếp, Oshizushi, Makizushi, Gunkan Maki cũng luôn là lựa chọn hàng đầu khi thực khách đến nhà hàng.

Với Chiyoda Sushi Restaurant, ngoài thưởng thức các món ăn theo đúng chuẩn ẩm thực Nhật Bản, thực khách còn có thể trải nghiệm không gian văn hóa “mini” của một Nhật Bản thu nhỏ giữa lòng Sài Gòn.

Xem thêm: Chiyoda Sushi – Bản hòa ca Ẩm thực và Văn hóa Nhật Bản ngay giữa lòng Sài Gòn