Hanetsuki, với lịch sử 1.300 năm, là một trong những trò chơi truyền thống thường được chơi trong những ngày lễ năm mới ở Nhật Bản; đây là hoạt động dành cho các cô gái để cầu may mắn, trong đó hai người chơi sẽ đánh truyền nhau quả cầu lông Hane bằng vợt Hagoita. Trò chơi này đã từng là một nghi lễ Thần đạo.
Vào thời Nara, các nghi thức Thần Đạo thường được thực hiện để cầu chúc khỏe mạnh và sự phát triển an toàn cho trẻ em; trong đó, Hanetsuki là một nghi thức dành cho bé gái và Hamaya là nghi thức dành cho bé trai. Dần dần, Hanetsuki vượt qua tầm nghi thức, trở thành một trò thể thao của giới các quý tộc triều đình thời ấy.
Về cơ bản, Hanetsuki được chơi bởi hai người chơi trên cơ sở một – một. Hai người chơi đứng đối diện nhau cầm một cây vợt gỗ gọi là Hagoita, và một trái cầu gọi là Hane. Trò chơi không quy định dùng lưới hoặc kích thước của sân; nếu một trong hai người chơi không đánh trúng được Hane sẽ được coi là thua cuộc và bị phạt đánh dấu X lên mặt bằng mực tàu.
Hành động vẽ mặt bằng mực tàu cũng từng là một hành động mang ý nghĩa cầu may; mực tàu được người xưa xem là có tác dụng bảo vệ con người khỏi cái ác và bệnh tật do tác dụng khử trùng của nó.
Hai vật dụng là chiếc vợt có cán hình chữ nhật được gọi là Hagoita và quả cầu lông có đế cầu hình tròn màu đen được gọi là Hane được sử dụng trong trò chơi Hanetsuki.
Có hai loại vợt cầu lông: một loại có hình đơn giản thường được dùng trong trò chơi, loại còn lại chỉ được dùng để trang trí và có ý nghĩa mang lại may mắn và sự trưởng thành cho các bé gái, được gọi là “Oshie Hagoita” (押絵羽子板)
Đi cùng với chiếc vợt Hagoita còn có cầu Hane, làm từ hạt quả bồ hòn có màu đen và lông chim. Trong tiếng Nhật, quả bồ hòn được gọi là mukuroji, viết bằng chữ Hán với ý nghĩa “đứa trẻ không bị đau ốm” (無患子 – mukoroji). Ngày xưa, mỗi khi bệnh dịch hoành hành người ta thường nghĩ nguyên nhân chính là do muỗi truyền bệnh. Vì vậy, khi chơi Hanetsuki, nhìn cầu Hane bay trên không khí giống như con chuồn chuồn bay và chuồn chuồn sẽ ăn muỗi, người ta nghĩ trò chơi đánh cầu lông sẽ như một điều giúp tránh được dịch bệnh.
Từ thời Edo, vợt Hagoita được trang trí rực rỡ để trở thành một món đồ mỹ nghệ dùng để tặng cho bé gái nhân dịp Tết đầu tiên, gọi là Oshie Hagoita (bé trai là mũi tên Hamaya). Năm mới đầu tiên sau khi một đứa trẻ được sinh, để kỷ niệm sự kiện quan trọng của đứa bé này, người thân trong gia đình như ông bà, bố mẹ và họ hàng sẽ gửi tặng chiếc vợt Hagoita cho bé gái.
Vợt Oshie Hagoita được làm thủ công rất cầu kỳ; Oshie là kỹ thuật cắt tạo hình trên các tấm giấy dày, nhồi bông, sợi vào trong tạo ra độ nổi cho những hình trang trí và sau đó được dán lên tấm vợt Hagoita. Những hình trang trí này thường khắc hoạ lại những nhân vật nổi tiếng thời Edo ví dụ như những nghệ sĩ kịch Kabuki, nhân vật Kabuki hoặc Samurai.
Oshie Hagoita thường được ghép từ 3 miếng gỗ để thêm phần chắc chắn cho mặt vợt. Ở phía sau được in hình hoa anh đào, hoặc những hình khác có ý nghĩa mang đến hạnh phúc và vận may.
Hàng năm từ 17-19/12, lễ hội Hagoita Ichi được tổ chức tại đền Sensoji (Asakusa) thu hút rất nhiều khách du lịch tới tham quan. Tại đây du khách có thể tha hồ thoả sức chọn lựa những chiếc vợt Oshie Hagoita mà họ thích nhất tại các cửa hàng khác nhau. Trong một năm đó nhân vật nào có sức ảnh hưởng nhất sẽ được chọn để làm hình ảnh chính trong lễ hội.
Không cần phải đi xa để trực tiếp trải nghiệm giá trị nghệ thuật của Oshie Hagoita, tại Sài Gòn, thực khách có thể đến Chiyoda Sushi Bến Thành, tại đây có một bộ sưu tập Mini các tác phẩm Oshie Hagoita mô tả nhân vật Kabuki nổi tiếng.
Oshie Hagoita được trưng bày tại Chiyoda Sushi ngoài mục đích như vật trang trí thì còn là biểu tượng của may mắn, trừ diệt điều rủi. Thông qua Oshie Hagoita, Chiyoda Sushi mong muốn mang lại an lành cho thực khách, cũng như góp phần giúp thực khách trải nghiệm không gian văn hóa Nhật Bản thu nhỏ tại Sài Gòn.
Xem thêm: Daruma – Biểu tượng may mắn và kiên cường của người Nhật