TIN TỨC & KHUYẾN MÃI

2021.08.09

Daruma - Biểu Tượng May Mắn Và Kiên Cường Của Người Nhật

Daruma là gì?

Daruma là một loại búp bê truyền thống của Nhật Bản, được mô phỏng theo Bồ Đề Đạt Ma, người sáng lập ra truyền thống Thiền tông của Phật giáo.

Daruma có dạng hình cầu, rỗng ruột, thường được sơn màu đỏ và mô tả một người đàn ông có râu (Bồ Đề Đạt Ma); tuy nhiên, Daruma cũng có nhiều phiên bản với sự khác nhau về màu sắc và thiết kế tùy thuộc vào từng nhu cầu, khu vực và nghệ sĩ chế tác.

Đối với người ngoại quốc, Daruma có thể chỉ được xem như một món đồ chơi hay quà tặng, thế nhưng với người Nhật, đó là biểu tượng giàu tính văn hóa. Daruma được xem như là biểu trưng của sự bền bỉ, phúc hạnh, may mắn… khiến chúng trở thành một món quà khích lệ phổ biến của nhiều thế hệ người Nhật.

Truyền thuyết và lịch sử về Daruma

Bồ Đề Đạt Ma là một nhà sư Phật giáo sống vào thế kỷ thứ 5 hoặc 6 Công nguyên. Theo truyền thuyết, ông được coi là người truyền dạy Thiền cho các Quốc gia Đông Á.

Truyền thuyết kể rằng ông đã ngồi quay mặt vào tường để thiền định trong suốt 9 năm mà không cử động, điều này khiến chân và tay của ông bị teo đi; hoặc một truyền thuyết phổ biến khác kể rằng sau khi ngủ quên trong suốt 9 năm thiền định, ông đã tức giận với bản thân mình nên quyết định cắt mí mắt để tránh rơi vào giấc ngủ trở lại.

Do đó, hình ảnh đặc trưng của Daruma đó là hình khối tròn, không chân tay, và khi được bày bán ngoài cửa tiệm, những chú Daruma được thiết kế không có tròng mắt nhằm khắc họa việc sư tổ Bồ Đề Đạt Ma ngủ quên trong lúc tọa thiền, nên chưa thể tìm được sự giác ngộ tối cao…

Daruma trở thành biểu tượng phổ biến như một tấm bùa may mắn một phần bắt nguồn từ Daruma-dera (Đền Daruma) ở thành phố Takasaki (tỉnh Gunma, phía bắc Tokyo). Ngày trước, người sáng lập đền Daruma-Dera sẽ vẽ những lá bùa năm mới mô tả vị Bồ Đề Đạt Ma cho người dân trong vùng để mang lại hạnh phúc, thịnh vượng và tránh tai nạn, xui xẻo.

Hàng năm, Lễ hội Búp bê Daruma vẫn được tổ chức tại đền Shorinzan (tên khác của đền Daruma Dera) ở thành phố Takasaki để kỷ niệm nơi phát xuất của búp bê Daruma.

Đặc trưng và biểu tượng của Daruma

Hình dạng

Daruma thường được chế tác bằng kỹ thuật papier-mâché (dán các mảnh giấy lại thành lớp dầy), có hình khối tròn, rỗng ruột và được gia cố phần đế nặng để chúng có thể tự cân bằng. Về hình thức, chúng khá giống các loại búp bê lật đật trong các nền văn hóa phương Tây với khả năng tự cân bằng bản thân khi bị lật nghiêng, do đó, Daruma còn được gọi là Lật Đật Nhật Bản.

Khả năng tự cân bằng này mang ý nghĩa biểu trưng rất lớn, nó thể hiện tinh thần kiên cường, bất khuất của con người Nhật Bản sẵn sàng đương đầu với sự tàn phá của thiên nhiên, thảm họa hay chiến tranh để rồi đứng dậy vươn lên mọi khó khăn và thành công. Đó là lý do Daruma thường được dùng làm quà tặng để khuyến khích sự trưởng thành của trẻ nhỏ.

Màu sắc

Daruma thường được thấy với màu đỏ truyền thống, việc sử dụng màu đỏ có thể lấy cảm hứng từ áo choàng đỏ của nhà sư Bồ Đề Đạt Ma.

Bên cạnh đó, màu đỏ theo văn hóa Nhật và Á Đông nói chung đều thể hiện cho may mắn, sức khỏe và hạnh phúc. Vì vậy, các búp bê Daruma thường được tạo nên với sắc đỏ, nhằm cầu mong những điều may mắn, an lành đến người sở hữu.

Ngày nay, Daruma cũng có thể được tìm thấy với các màu sắc khác ngoài đỏ, như vàng – với mong muốn mang lại may mắn trong vấn đề tài chính, trắng – cầu mong may mắn trong học vấn, thi cử…

Họa tiết lông trên mặt

Những vệt lông trên mặt của Daruma là biểu tượng đại diện cho cho những con vật nổi tiếng về sự trường thọ trong văn hóa châu Á: hạc và rùa.

Theo truyền thống, lông mày được vẽ hình cánh hạc, còn lông má giống mai rùa. Thông qua biểu tượng này, Daruma đã được thiết kế để phù hợp với câu tục ngữ Nhật Bản “Hạc sống 1000 năm, Rùa sống 10.000 năm” (Tsuru Sen-nen, Kame Man-nen), thể hiện sự chúc phúc, mong muốn sức khỏe và trường thọ của người Nhật.

Hán tự

Trên ngực Daruma, thường sẽ có một chữ Kanji cách điệu; chữ Kanji có nghĩa là “may mắn” (Phúc), “tài sản” (Tài), “sự kiên trì” (Nhẫn), hoặc những chữ may mắn khác mà có thể phản ánh được lý do và mong muốn sở hữu Daruma của chủ nhân.

Ngoài ra, đôi khi, mọi người còn viết điều ước hoặc mục tiêu của mình lên Daruma để có thể nhắc nhở bản thân, hoặc thông cáo đến thần linh một cách “chính thức” về mong muốn và nguyện vọng của mình.

Mắt và ý nghĩa của việc điểm mắt Daruma

Với Daruma, thì đôi mắt là điểm nhấn văn hóa và đặc trưng nhất.

Khi được bán, đôi mắt Daruma là một đôi mắt trống rỗng, vô hồn. Daruma với đôi mắt trắng tròn đối xứng, được người Nhật xem như là cách để Daruma theo dõi các mục tiêu hoặc nhiệm vụ mà gia chủ đặt ra để thúc đẩy họ hoàn thành mục tiêu đó.

Chủ nhân sẽ vẽ một mắt Daruma khi đặt mục tiêu mới, nghi thức vẽ một mắt này, người Nhật gọi là “Kaigen”. Sau khi hoàn thành mục tiêu, chủ nhân sẽ điểm mắt còn lại xem như lời cảm tạ sự giúp đỡ của Daruma. Bằng cách này, mỗi khi nhìn thấy Daruma một mắt, người Nhật sẽ nhớ lại mục tiêu của mình và phấn đấu hết sức để đạt được nó. Phong tục này cũng đã dẫn đến một cụm từ trong tiếng Nhật được dịch là “Cả hai mắt đều mở” (Ryoume ga aku).

Bộ sưu tập Daruma tại Chiyoda Sushi

Tại Chiyoda Sushi Bến Thành hiện có một bộ sưu tập các búp bê Daruma. Bộ sưu tập mini này giúp thực khách vừa có thể thưởng thức ẩm thực, vừa có cơ hội tìm hiểu văn hóa truyền thông của Nhật Bản ngay tại nhà hàng.

Các Daruma tại Chiyoda Sushi Bến Thành đa phần đã được điểm một mắt, thể hiện ý chí mạnh mẽ, quyết tâm của Chiyoda Sushi trong việc theo đuổi mục tiêu “Đại chúng hóa Sushi” tại Việt Nam, cũng như mong ước an lành, bình yên, may mắn đến tất cả thực khách của chuỗi nhà hàng.

Hãy thử một lần đến Chiyoda Sushi và chiêm nghiệm về văn hóa ẩn mình trong những chú Daruma nhé, chắc chắn thực khách sẽ thấy thú vị lắm đấy.

Photo Source: Wikipedia (CC), Freepik.com, livejapan.com

Xem thêm: Edomae Sushi – điểm nhấn đặc sắc khi nhắc đến văn hóa ẩm thực Nhật Bản