TIN TỨC & KHUYẾN MÃI

2021.09.17

Kịch Nghệ Kabuki - Hơi Thở Của Thời Gian

Sơ lược về Kabuki

Kabuki là loại hình kịch truyền thống nổi tiếng của Nhật Bản, với việc trình diễn xướng ca và vũ đạo một cách cách điệu. Đây là một sự kết hợp tinh tế và phong phú giữa âm nhạc, vũ đạo, kịch câm, dàn dựng sân khấu và phục trang; nhờ thể, Kabuki đã từng bước trở thành một hình thức sân khấu lớn đặc trưng ở Nhật Bản trong suốt bốn thế kỷ. Trong tiếng Nhật hiện đại, Kabuki được viết với ba Hán tự: Ka – có nghĩa là “bài hát”; Bu – “nhảy múa”; và Ki – “kỹ năng.”

Các vở kịch Kabuki đòi hỏi kỹ năng Ca – Múa và trình diễn điêu luyện từ các diễn viên Kabuki. Những diễn viên này có trọng trách tiếp nhận và truyền đạt những giá trị truyền thống của Kabuki từ thế hệ này sang thế hệ khác với một cách chính xác và ít khác biệt nhất. Nhiều diễn viên Kabuki từ bé đã dõi theo cha ông mình trình diễn và được truyền dạy kỹ năng diễn kịch trong suốt nhiều năm, do đó, không ít diễn viên Kabuki đã thêm “số thế hệ” sau tên của mình để chỉ ra vị trí của họ trong hàng dài các diễn viên trên đất nước.

Lịch sử

Hình thức Kabuki xuất hiện lần đầu tiên từ thế kỷ 17, khi một nữ vũ công tên là Okuni trở nên nổi tiếng với những bản hát nhại lại lời kinh cầu nguyện của Phật giáo. Cô tập hợp nhiều diễn nữ lang thang lại thành một đoàn nhảy múa và diễn xuất.

Kabuki của Okuni là trò giải trí đầu tiên được thiết kế cho thị hiếu của những người dân bình thường ở Nhật Bản. Tuy nhiên, vì tính cách gợi cảm của các vũ điệu do nữ trình diễn đã khiến chính phủ thời đó ban hành luật cấm nữ trình diễn Kabuki vào năm 1629, để thay thế, các chàng trai trẻ sẽ ăn mặc như phụ nữ để biểu diễn các chương trình. Tuy nhiên, vào năm 1652, Kabuki do các chàng trai trẻ cũng bị chính phủ cấm vì những lo ngại về đạo đức. Cuối cùng, những người đàn ông lớn tuổi đã được trao vai trò đảm nhận loại hình nghệ thuật này, và từ đó, Kabuki trở thành hình thức giải trí toàn nam giới trình diễn tồn tồn tại cho đến ngày nay.

Vào đầu thế kỷ 18, Kabuki đã có một vị trí nhất định trong đời sống văn hóa của người Nhật, trở thành một loại hình nghệ thuật lâu đời có khả năng trình diễn nghiêm túc, mang đầy tính kịch nghệ.

Khi các thương gia và dân thường phát triển về mặt kinh tế và vai trò xã hội được nâng cao hơn, Kabuki, với tư cách là loại hình nghệ thuật dân gian, đã trở thành nơi để nghệ sĩ và tầng lớp nhân dân trình diễn và bình luận sống động về đời sống xã hội lúc bấy giờ. Các sự kiện lịch sử thực tế được sân khấu hóa và trình diễn công phu trước công chúng; Ví dụ Chuushingura (1748) là một kịch bản tái hiện chân thật về sự kiện 1701 – 1703, trong đó, một nhóm gồm 47 Ronin (Samurai vô chủ), sau hai năm kiên nhẫn chờ đợi đã có thể trả thù người đã giết hại chủ nhân của mình.

Ngày nay, Kabuki vẫn tương đối được ưa chuộng và trở thành một trong những biểu trưng văn hóa đặc sắc khi nhắc đến Nhật Bản. Kabuki đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại vào ngày 24 tháng 11 năm 2005.

Cấu trúc vở kịch

Cấu trúc của một vở kịch Kabuki có khởi nguồn từ quy tắc của nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống Nhật Bản khác. Cơ bản, cấu trúc Kabuki đi theo quy tắc jo-ha-kyū (序破急) (Tự phá cấp), theo đó, một vở kịch thông thường sẽ bắt đầu chậm, tăng tốc, và kết thúc nhanh.

Gần như mọi vở kịch Kabuki dài đều được chia làm 5 màn, màn đầu gọi là jo, mào đầu chậm và mang tính chất giới thiệu với khán giả về nhân vật và kịch bản. Ba màn sau gọi là ha, tiết tấu được đẩy nhanh, tình huống chuyện được đẩy lên cao độ đầy kịch tính và chất bi kịch trong màn ba hay bốn và có thể có một trận đánh ở màn hai hoặc bốn. Màn cuối, gọi là kyu, thường rất ngắn, với một kết thúc nhanh và có hậu.

Nét đặc trưng của Kabuki

Ka – Âm nhạc

Âm nhạc, được tạo ra bởi sự phối hợp đặc sắc của ca sĩ và nhạc cụ, giúp thiết lập giai điệu và nhịp độ nhằm tường thuật một cảnh diễn. Các bài hát có thể được biểu diễn bởi một hoặc nhiều ca sĩ (Utakata) tại một thời điểm, và thường được đi kèm với Shamisen – một loại đàn truyền thống của Nhật Bản. Các nhạc cụ khác có thể được kết hợp sử dụng để tạo hiệu ứng âm thanh độc đáo.

Tùy thuộc vào màn trình diễn, dàn nhạc công có thể hoàn toàn ở ngoài, ở phía sau hoặc ở bên cạnh sân khấu; một số vở diễn, thậm chí nhạc công được được kết hợp trực tiếp như là một phần của vở kịch.

Musicians in Kabuki (www2.ntj.jac.go.jp)

Bu – Vũ điệu

Các màn trình diễn vũ điệu luôn được đưa vào các cảnh diễn khi có cơ hội. Tuy nhiên, diễn xuất của các nhân vật Kabuki đã được cách điệu hóa đến mức hầu như rất khó để phân biệt được giữa hành động và các động tác múa.

Các diễn viên được đào tạo để di chuyển và thực hiện chuyển động giống như là họ đang múa, có nghĩa là, vũ điệu được xem như một phần không thể tách rời trong tất cả các vở kịch Kabuki. Các chuyển động được thực hiện khác nhau nhằm mô tả đặc trưng của từng nhân vật riêng biệt, ví dụ Onnagata (nhân vật nữ) múa một cách nhẹ nhàng, yểu điệu, trong khi Doki (nhân vật hài) sẽ nhảy bật lên một cách vui nhộn, rộn ràng. Đa phần các buổi biểu diễn Kabuki sẽ được kết thúc bằng một màn vũ điệu sôi động gọi là Ogiri Shosagoto với sự góp mặt của toàn bộ dàn diễn viên.

Ki – Kỹ thuật biểu diễn

Các diễn viên sử dụng nhiều động tác được biên đạo giống như khiêu vũ, đòi hỏi kỹ năng cao, bao gồm:

Tachimawari: một kỹ thuật dùng trong giai đoạn chiến đấu. Kỹ thuật chiến đấu được diễn viên Kabuki sử dụng để có thể di chuyển và hành động theo âm nhạc nhằm mô tả cảnh chiến đấu của nhân vật.

Tachimawari (www2.ntj.jac.go.jp)

Roppo: chuyển động mô phỏng đi bộ hoặc chạy. Thường được ghép với trống nhằm tạo hiệu ứng bước châm nhanh, chậm hay dồn dập.

Kanjincho: the last scene (Tobiroppo) by a legendary kabuki actor, Koshiro Matsumoto, VIII (Srceenshot Youtube)

Ningyoburi: hành động của một diễn viên điều khiển chuyển động của người khác, nhằm mô tả hình ảnh một người múa rối. Kỹ thuật này được lấy cảm hứng từ Bunraku, nghệ thuật múa rối Nhật Bản.

Ningyoburi

Hikinuki: một kỹ thuật chuyên biệt liên quan đến việc thay đổi trang phục của một người trên sân khấu, thường được kết hợp hoàn hảo với âm nhạc.

Hikinuki – Screenshot from Youtube

Phục trang

Do các vở kịch Kabuki đều lấy bối cảnh trong quá khứ nên những người biểu diễn thường mặc Kimono – trang phục truyền thống của Nhật Bản. Phong cách Kimono cũng đa dạng, từ thực dụng và nhẹ nhàng đến rườm rà và, xa hoa. Vì thế, một trong những kỹ năng quan trọng nhất của các diễn viên Kabuki, đó chính là việc thao tác và di chuyển thuần thục trong trang phục nặng nề.

Trang phục và tóc đi kèm được làm thủ công bằng tay bởi các nghệ nhân lành nghề và đôi khi còn được dệt công phu từ những sợi bạc và vàng ròng.

Trang điểm

Được gọi là Kesho, trang điểm Kabuki dựa trên đặc điểm riêng biệt của từng nhân vật mà sẽ có những nét vẽ đặc trưng. Nhìn chung, khuôn mặt của các diễn viên được phủ một lớp Oshiroi (sơn trắng) để làm cho họ trở nên dễ nhìn và gây ấn tượng với khán giả. Sau đó, các đường màu được thêm vào để nâng cao các đặc trưng của từng nhân vật mà diễn viên thể hiện; ví dụ, màu đỏ đại diện cho những phẩm chất như đam mê và giận dữ; màu xanh lam tượng trưng cho cái ác hoặc sự buồn bã. Những sinh vật siêu nhiên như thần linh, ma quỷ được trang điểm ấn tượng nhất. Thông thường, các diễn viên Kabuki sẽ tự trang điểm để có thể hiểu rõ hơn về nhân vật của mình.

Sân khấu và đạo cụ

Kabuki sử dụng nghệ thuật trang trí sân khấu rất xa hoa và thường bao gồm hệ thống cấu trúc máy móc phức tạp. Thang máy di chuyển, bẫy và rèm cho phép người biểu diễn và bối cảnh trải qua những biến đổi đáng kinh ngạc; ví dụ, một diễn viên có thể đột ngột biến mất khỏi sân khấu và xuất hiện trở lại trong lòng khán giả hoặc nền sân khấu có thể di chuyển để mô phỏng một con tàu đang chuyển động trên mặt nước. Các nhân vật xuất hiện và đặc biệt là ma quỷ thường được treo lơ lửng giữa không trung bằng dây thép thông qua kỹ thuật được gọi là Chunori.

Khi các diễn viên cần biến đổi ngay trên sân khấu, Koken sẽ xuất hiện dễ hỗ trợ. Koken là những người trợ lý sân khấu đặc biệt, họ giúp các diễn viên thay đổi trang phục và đạo cụ ngay trên sân khấu. Koken thường mặc đồ đen để duy trì ảo giác rằng ho không tồn tại trên sân khấu, mà tất cả các hoạt động là do nhân vật Kabuki đang tự biến đổi.

Tìm hiểu nét đặc trưng của Kabuki tại Sài Gòn.

Tại Sài Gòn, khi đến Chiyoda Sushi, thực khách ngoài việc được thưởng thức ẩm thực ra thì còn có thể cảm nhận được hơi thở của văn hóa trong từng chi tiết trang trí tại nhà hàng.

Nhà hàng được thiết kế như một viện bảo tàng thu nhỏ, từ hai trục đường chính Lê Thánh Tôn và Trương Định, thực khách có thể cảm nhận được giá trị nghệ thuật của kịch nghệ Kabuki được khắc họa từ các thanh chắn gió dọc theo chiều dài của tòa nhà.

Bước vào trong nhà hàng, vị trí quầy Bar Sushi được trang trí với các nhân vật và diễn viên Kabuki nổi tiếng, mang đậm tính kịch nghệ Kabuki.

Tất cả những chi tiết này ngoài mục đích trang trí, Chiyoda Sushi còn hy vọng có thể mang đến những trải nghiệm Nhật Bản nhất cho quý khách khi thưởng thức ẩm thực tại nhà hàng.

Xem thêm: Hagoita – Vợt gỗ may mắn trong Văn hóa Nhật Bản